PHÓNG SỰ ẢNH

Một thoáng Hội An

Phố cổ Hội An - một điểm đến của du lịch bởi nơi đây là một di sản văn hoá mà trong danh sách của du khách quốc tế khi đến Việt Nam hầu như đều có điểm đến này. Tuy nhiên những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất di sản này, chưa hẳn được biết câu chuyện về lịch sử nơi đây, hay cái tên gọi Faifo – Hội An của một thời hoàng kim. Khi ấy, Hội An còn là một trong những thương cảng thịnh vượng nhất vùng Viễn Đông

Người phương Tây xưa kia gọi Hội An bằng cái tên Faifo mà xuất xứ của cái tên này, đến nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết. Trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes in tại Rome năm 1651, chữ “Hoài phô” được định nghĩa là một làng trong xứ Cochinchine mà người Nhật ở và gọi là Faifo; Một giả thuyết phổ biến cho rằng Faifo xuất phát từ tên “Hội An phố” – cái tên sử sách và địa chí Trung, Việt đều nhắc tới; Theo một truyền thuyết khác, sông Thu Bồn trước kia có tên là sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là “Hoài phố”, từ đó xuất hiện cái tên Faifo.

Xét theo nghĩa rộng, Faifo – Hội An là danh xưng của một vùng đất có đô thị, thương cảng/ phố cảng quốc tế nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam, được hình thành vào cuối thế kỷ XVI và là nơi quy tụ hàng hóa sản phẩm, năm nào cũng mở hội chợ kéo dài gần 04 tháng. Thời ấy, thương cảng Hội An ngày ngày tấp nập thuyền, bè chở hàng hóa và các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia… Trải qua gần bốn thế kỉ, Faifo để lại một Hội An dịu dàng và tĩnh lặng. Nơi đây, thời gian và không gian như ngừng lại cho dù những bước chân của du khách có tấp nập cả ngày lẫn đêm, vẫn không thể khiến cái vẻ dịu dàng kia bớt đi, trái lại càng phản chiếu thêm phần quyến rũ và lãng mạn. Khu phố cổ Hội An gồm bốn con đường chính là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê lợi và Bạch Đằng và những con phố dọc hai bên sông Thu Bồn. Khi Hội An trở thành điểm đến du lịch thì những khu phố cổ kính rêu phong là nơi du khách vãn thăm. Người dân nơi đây thường bày bán các đồ dệt may, thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách mua về làm quà kỷ niệm. Hội An cổ kính còn bởi những dãy nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia, mái ngói ta hoặc ngói âm dương phủ rêu xanh mướt, những cột gỗ quý vẫn sáng bóng lên như thể hơn ba trăm năm mới chỉ là hôm qua, nằm xen kẽ giữa những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả sự suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà cổ theo truyền thống của người Việt và cả những biệt thự mang phong cách kiến trúc của Pháp không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa thông qua các công trình kiến trúc, mà còn lưu giữ cả một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Không những thế, mà cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển, bởi đây từng là nơi mà người Chăm và người Kinh sinh sống với những nét giao thoa văn hoá tạo nên phong cách sống rất riêng. Theo sử liệu thì cách đây khoảng năm thế kỉ, nước Đại Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi và từ đó trên vùng đất nhỏ bẻ này đã xuất hiện một dấu ấn văn hoá vô cùng đặc sắc. Sau đó, các chiến thuyền và thương thuyền phương từ Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây lại thực hiện một cục diện giao thoa văn hoá thứ hai.

Với sự lung linh của những con phố nhỏ hẹp trầm mặc, cổ kính với trăm ngàn ngọn đèn lồng được thắp vào đúng ngày cận rằm (14 âm lịch) hay ngày mồng một (âm lịch), khiến cho Hội An lung linh, huyền ảo mà ai cũng mong một lần được đặt chân đến thăm. Từ năm 1999, phố cổ Hội An đã quay ngược vòng trở lại thời gian khoảng 300 năm trước, họ khôi phục quá khứ bằng cách treo đèn lồng trước hiên nhà và không sử dụng bất kì một thiết bị điện thông thường nào trong những ngày cuối tuần hay ngày lễ. Những dịp Tết Nguyên Đán mà đến thưởng ngoạn không gian cổ kính nơi phố cổ Hội An, đứng giữa những con phố ngập tràn sắc hoa, đăng trôi lững lờ trên sông Thu Bồn, hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy lung linh hòa cùng ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, tạo thành không gian mê hoặc, huyền bí chốn phồn hoa đô hội, có bề dày của sự thịnh vượng một cách nho nhã và kiêu sa, khiến ta như đang sống lại thời khắc hoàng kim trong thế kỷ 17,18

Có lẽ không gian và kiến trúc cổ kính đã tạo nên phong cách con người nơi đây, hay nói theo cách khác là họ bị ảnh hưởng bởi không gian sống hoặc chính họ quyết định không gian sống, đã tạo nên “chất liệu sống” hiền hòa, cổ xưa mà lịch lãm. Người con gái phố cổ Hội An hiền dịu, chan hòa, nồng nhiệt và rất mến khách đến nỗi chỉ mới gặp lần đầu thôi mà cảm giác như đã thân quen, gần gũi từ lâu lắm rồi… Có lẽ tôi đã bị quyến rũ bởi mảnh đất và con nguời nơi đây.

Tượng tưởng niệm Kiến trúc sư Kazik người Ba Lan tham gia chương trình hợp tác về bảo tồn các di sản văn hóa Việt Nam từ những năm của thập kỷ 80, thế kỷ 20. Ông có nhiều công khám phá, nguyên cứu, quảng bá góp phần để đô thị Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999

Chùa Cầu Hội An (hay còn gọi là cầu đón khách phương xa) được các thương nhân người Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ 17

Nếp nhà mang đậm nét thuần Việt trong phố cổ Hội An

Những chiếc đèn lồng được bày bán cho du khách

Sắc hương trên phố cổ Hội An

Nguyễn Hân