PHÓNG SỰ ẢNH

Thanh âm của núi

Với bề dày truyền thống, làng đúc đồng Phước Kiều thuộc địa phận xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang tìm cho mình một thương hiệu với bao điều trăn trở.

Về làng Phước Kiều, Chúng tôi tìm hỏi đến nhà ông Dương Ngọc Sang đã ngoài 80 tuổi, là một người dày dạn kinh nghiệm trong nghề đúc đồng ở Phước Kiều, ông cho biết: “Tổ của nghề đúc đồng ở làng Phước Kiều là ông Dương Không Lộ, quê gốc ở tỉnh Lạng Sơn”. Ngoài việc ngồi nghe ông tâm sự vui buồn, thăng trầm của làng nghề đúc đồng, chúng tôi còn được giới thiệu các công đoạn để làm ra được một chiếc chiêng. Để có được cái chiêng có thanh âm đúng với từng âm điệu của từng đồng bào vùng núi Quảng Nam – Đà Nẵng hoặc đồng bào Tây Nguyên, đúng là không dễ mấy ai cũng làm được. Bởi thẩm âm là một công đoạn khó nhất để ra được một chiếc chiêng hoàn chỉnh, theo đúng âm điệu của từng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Cho đến nay, nghề đúc đồng ở làng Phước Kiều đã tồn tại hơn 400 năm Theo ông Dương Ngọc Sang, từ xưa làng đúc đồng Phước Kiều từng vang bóng trong các không gian lễ hội và các công trình kiến trúc. Dưới triều Nguyễn, các vị vua mời nhiều nghệ nhân giỏi từ làng đúc đồng Phước Kiều về kinh đô Huế để đúc các tác phẩm nghệ thuật trang trí và nhiều đồ gia dụng khác.

 

Trải qua hàng năm, làng đồng Phước Kiều càng dày dạn kinh nghiệm, tạo tác ra nhiều sản phẩm có giá trị văn hoá cao và mang tính đặc trưng chuyên biệt mà cả nước không nơi nào làm được! Tuy nhiên để tạo nên cho làng nghề này một thương hiệu trong thời buổi cơ chế thị trường như hiện nay lại là một trăn trở đối với người dân nơi đây.

Nhà thờ Tổ nghề đúc đồng Dương Không lộ tại làng Phước Kiều

Nhồi đất làm khuôn đúc, cứ 5 kg đất thì trộn 2 kg trấu

Miết khuôn, đây là kỹ thuật làm sắc các chi tiết của sản phẩm

Khuôn đúc Chiêng

Nung khuôn, ngôn ngữ của nghề đúc gọi là Chở khuôn vào ông lò

Nấu đồng, nhiệt độ đạt chuẩn cho đồng tan chảy là 1200 độ, đồng được nấu trong một Cơi đất và đốt hoàn toàn bằng than củi

Rót đồng vào khuôn đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm về nghề và có sức khỏe để dòng đồng chảy liên tục, không ngắt quãng

“Dảy” là kỹ thuật lấy tiếng âm của nghề đúc Cồng Chiêng, mỗi dân tộc sẽ có một âm thanh riêng – Hiện trong làng Phước Kiều chỉ còn 2 người có kỹ thuật này

Khách hàng thử tiếng kêu và mua Cồng Chiêng tại một cửa hàng bán đồ đồng tại làng Phước Kiều

Văn Việt