PHÓNG SỰ ẢNH

Trăn trở sau chuyến ra khơi

Đối với ngư dân vùng biển thì cứ trạng vạng canh ba cũng là lúc mọi người chuẩn bị ngư cụ, lên thuyền và bắt đầu hành trình giong buồm ra khơi.Và như để đáp lại trước sự hăng say tinh thần lao động của ngư dân mà khi trở về trên thuyền nào cũng đấy ắp tôm cá, những món quà của biển báo hiệu một mùa cá bội thu. Nhưng cứ theo lối đánh bắt ven bờ truyền thống thì ngư dân cũng vất vả lắm, mà quà của biển thì luôn dồi dào. Vậy nên làm thế nào để ngư dân phát triển nghề cá và biết làm kinh tế trên biển với ngư trường truyền thống của mình luôn là những trăn trở.

Chúng tôi đã trải nghiệm cùng ngư dân vùng biển Hải Chính, Thịnh Long huyện Hải Hậu, tỉnh Nam định và một số vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ thì thấy quả thực, khi những cơn gió kéo theo hơi nước nóng oi của mùa hạ hay nhưng đợt gió se lạnh đầu đông cũng không ngăn được những ngư dân sức vóc hơn người, từng khối cơ cuộn lên như sóng, nước da ngăm đen phủ lên những múi múi cơ bắp. Từ hơn 3 giờ sáng, những xóm chài ven biển đều lục đục chuẩn bị ra khơi. Như một cái duyên đến với biển và nghề cá, chúng tôi đã được lên thuyền đánh bắt gần bờ với ngư dân miền biển Hải Hậu. Đoàn chúng tôi có hai nam một nữ và rồi đồng chí nữ phải ở lại trên bờ vì ngư dân nơi đây ngại không cho phụ nữ lên thuyền. Con thuyền gỗ gắn máy có đầy đủ mái che, khoang chứa máy, khoang chứa ngư cụ và đồ dùng như đá để ướp lạnh thủy hải sản khi đánh bắt được. Ngồi bên mạn thuyền nhìn sóng biển, nghe tiếng thở của những lão ngư dán mắt xuống mặt nước để tìm luồng cá, luồng moi mà chợt trong tôi thấy có sự bình thản đến lạ thường. Bao đời nay, bằng kinh nghiệm sống bằng nghề biển nhưng ngư cụ của dân chài vẫn còn rất thô sơ, chỉ một vài tấm lưới, chiếc thuyền gỗ gắn máy là đã hiện đại lắm rồi, thế mà mỗi khi ra khơi đánh bắt gần bờ từ tầm 3 giờ sáng tới xế chiều về là có khi thu hàng tấn cá họăc tôm moi. Cuộc sống của người dân vùng biển tuy vậy nhưng vẫn còn chật vật lắm, về bờ là họ phân loại thủy hải sản và bán theo mớ luôn cho thương lái đợi tại bờ chứ hầu như chưa mang lại hiệu quả phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cái phổ biến nhất mà chúng tôi nhìn thấy được ở đây là người đàn ông ra khơi, đàn bà ngồi trông chờ vào con cá, con tôm chồng mang từ biển về rồi đem bán. Cuộc sống chỉ quẩn quanh như vậy. Đấy là chưa nói đến chuyện mùa mưa bão. Ngư dân đánh bắt gần bờ thì khoảng từ tháng 3, tháng 4 đến tháng 10 âm lịch là còn đi câu mực vào buổi tối, giữa biển cả mênh mông, một thuyền một người, đêm tối mịt mùng, chiếc bóng đèn led rọi sáng về một phía để dẫn dụ lũ mực. Câu chuyện kiếm cơm giữa biển khơi cũng chẳng mấy dễ dàng khi ngọn sóng dập dìu. Nói về mức phổ biến nghề câu mực trên các vùng biển thì việc câu mực dễ làm, dễ kiếm ăn. Mực bán được tiền hơn cá, một người cũng có thể làm nghề.

Chúng tôi ra biển, trong buổi sớm chưa thể nhận ra mặt nhau. Gần chục người trên chiếc thuyền ra khơi kéo lưới. Bác Đàm chủ thuyền nói với chúng tôi: “Mấy chú ngó mà coi, trên thuyền toàn là người bốn năm mươi tuổi, lớp trẻ ở đây thấy khổ quá thoát ly hết rồi”. Vùng biển như Hải Chính, Thịnh Long huyện Hải Hậu không mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động khi hàng chục năm nay cứ khai thác theo dạng truyền thống, thu nhập thấp trong khi sức lực bỏ ra nhiều, khiến hầu hết thanh niên đã rời làng quê ven biển đi các thành phố để kiếm sống. Quả thật họ ra khơi từ sớm đến đêm cũng chỉ kiếm chừng vài trăm ngàn, mà có bữa không có thì ra để chi tiêu cho cuộc sống, lấy gì ra để mà bám biển?. Thanh niên quay lưng với nghề biển cũng là chuyện thường tình.

Và nỗi trăn trở với nghề cá của lớp cao niên ở đây cũng dần chấp nhận. Cũng như sự hình dung của chúng tôi lúc này, khi mà bãi biển vắng bóng con thuyền, ai cũng mong đợi một chuyến ra khơi bội thu. Nhưng có đủ cho chi phí đóng tàu thuyền hay đổ dầu máy hay không? Sản phẩm thu được từ biển cả có được giá, có đổi lại đủ cơm áo gạo tiền hay không thì vẫn còn là những trăn trở.

Ra khơi bám biển

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi

Kéo lưới đánh bắt cá gần bờ

Quà của biển

Nụ cười thu hoạch

Vụ cá bội thu của ngư dân xã Hải Chính, Hải Hậu

Những người công nhân bảo vệ môi trường nơi bảo tồn sự sống hoang dã

Nhật Thăng và nhóm PV