PHÓNG SỰ ẢNH

Tránh để mai một làng nghề Tơ Cổ Chất

Từ thành phố Nam Định, xuôi theo Quốc lộ 21 chừng 20 km, chúng tôi về thăm làng tơ Cổ Chất ở xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam.

Đến với Cổ Chất, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự ngỡ ngàng, về cảnh và người, về công việc cần mẫn và tinh tế của người dân khi sáng tạo làm nên tơ tằm Cổ Chất – sản vật quý của tỉnh Nam Định. Xuyên suốt dọc đường quê, trên những cây sào tre san sát là những bó tơ có màu vàng, màu trắng óng ả, vương vấn khắp nơi, gợi vẻ đẹp thanh bình thôn dã. Mỗi gia đình ở Cổ Chất đều như một công xưởng ươm tơ. Trong những xưởng này, các chị, các mẹ đang miệt mài, cần mẫn bên nong dâu, nong tằm, để nghề làm tơ tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình.

Người dân Cổ Chất kể rằng, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh Cơ. Từ đó, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam Triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về kinh thành Thăng Long. Năm ấy, ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ Hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ.

Ngày nay, làng Cổ Chất ươm cả tơ trắng và vàng, kén tằm được thu mua từ các vùng lân cận. Kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25 ngày được đem đi kéo sợi. Tơ thành phẩm được các thương lái về tận làng mua xuất đi các vùng dệt lụa như Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội và sang các nước như Lào, Campuchia và Thái Lan.

Sản phẩm tơ làng Cổ Chất vốn nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngày nay, làng nghề đã bị mai một đi phần nào, những hộ dân còn giữ được quy trình chế biến thủ công ở đất này ngày một ít đi. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất là việc làm cấp thiết, bởi không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng, mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống của địa phương đã không bị mai một.

Tơ Cổ Chất nổi tiếng đất Nam Định.

Những người phụ nữ chăm chỉ và cần mẫn của làng Cổ Chất đang miệt mài sáng tạo nên sản phẩm tơ tinh túy của thành Nam.

Những người thợ thủ công đang ươm tơ, kéo kén trên những khung cửi gỗ thô sơ.

Nghề làm tơ ở Cổ Chất thu hút lao động mọi lứa tuổi và đem lại lợi nhuận kinh tế cao nhưng chưa có sự đầu tư đúng mức nên đang có nguy cơ mai một làng nghề

Nhật Thăng