Phòng chống đại dịch Covid- 19 trên những chốt chặn giữa lưng trời
5 giờ sáng, trời vẫn tối đen như mực, mưa phùn rét buốt nhòa những ánh đèn pin loang loáng trước sân Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Thiếu tá, Đồn trưởng Trịnh Anh Tuấn đang tập hợp đội ngũ, triển khai quân tư trang, chuẩn bị hành quân lên kiểm tra, tiếp tế cho chốt kiểm soát thuộc khu vực cột mốc 79, 80 nằm ở độ cao gần 2900m so với mực nước biển. Đây là hai chốt kiểm soát chống dịch Covid-19 cao nhất trên lãnh thổ Việt Nam.
Phía sau núi cao mây mù
Sau gần 2 giờ đồng hồ đi xe máy theo con đường sống trâu gồ ghề, lúc dốc ngược dựng đứng, lúc cắm sâu thăm thẳm, đoàn công tác đến nơi “cất xe” để tiếp tục đi bộ. Những người lính biên phòng, dân quân, cán bộ xã đã quen rừng, thuộc núi như lòng bàn tay vẫn phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ đi bộ để tới được chốt gác. Vừa lúi húi cơi than bếp đang đun ấm nước, Thượng úy Sùng A Sinh – Tổ trưởng chốt kiểm soát mốc 79 vừa kể: “ tám anh em chúng tôi lên đây đã hơn 2 tháng rồi, thời điểm mới lên trời vẫn còn rất rét, nhiều đêm mưa ướt đẫm lán ngủ, nhiệt độ xuống 2 đến 3 độ C, đốt lửa ngay cạnh mà còn không ngủ được vì lạnh. Ở trên này không có sóng điện thoại và đặc biệt thiếu nước nên có khi cả tuần anh em mới đi bộ xuống nhà dân hoặc về Đồn để tắm giặt. Đồ ăn hàng ngày của anh em chủ yếu là cơm với cá khô, rau rừng, thi thoảng có ít thịt hộp là “xa xỉ” lắm. Thịt lợn anh em phải xuống tận chợ xã Vàng Ma Chải mới mua được nhưng cũng chỉ ăn được 2 ngày vì không thể bảo quản. Đặc biệt là buổi tối đi ngủ trong các lều lán dựng tạm, anh em phải hạn chế dùng điện thoại hay đèn pin vì muỗi, dĩn, côn trùng đủ loại trong rừng sẽ bu đến. Khó khăn, thiếu thốn nhưng anh em bộ đội, dân quân, cán bộ xã đều vững tâm, sẵn sàng bám chốt đến khi hết dịch thì về”. Nhìn khu bếp giữa rừng, củi ướt, lửa yếu đun mãi không sôi ấm nước của các đồng chí ở chốt kiểm soát mốc 79 mà bất chợt tôi nghĩ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Lợi: “Đồn ở trên độ cao 2.000 mét/Suốt mùa đông chẳng ăn chín bao giờ/ Ninh trên bếp cho đến khi cháy khét/ Nồi bắc ra, cơm hóa gạo trơ trơ”.
Thiếu tá Trịnh Anh Tuấn chia sẻ thêm, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải phụ trách 14,228km đường biên giới, trong đó có cột mốc 79 cao nhất đất nước. Hơn 2 tháng qua Ban chỉ huy Đồn đã triển khai 21 cán bộ, chiến sĩ ứng trực 24/24 tại 5 điểm chốt kiểm soát, ngăn chặn hơn 60 trường hợp qua lại biên giới trái phép, bàn giao cho bên y tế để thăm khám, cách ly. Vượt qua mọi khó khăn, vất vả, cán bộ chiến sĩ cùng các lực lượng phối hợp ở các chốt đều xác định tư tưởng, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá Phan Hồng Minh – Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu thông tin với chúng tôi, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu (BĐBP tỉnh Lai châu) đã ra Quyết định tạm dừng hoạt động qua lại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh từ 9 giờ ngày 29/1/2020; tạm dừng làm thủ tục nhập cảnh cho người Trung Quốc qua cửa khẩu Chính từ ngày 2/2. Đồng thời BĐBP đã phối hợp với các địa phương thành lập 57 tổ tuần tra, chốt chặn với 341 cán bộ chiến sĩ tham gia. Qua đó kiểm soát chặt chẽ biên giới, địa bàn, kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp nhập cảnh trái phép vào các khu vực cách ly theo dõi, ngăn chặn hoạt động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Đến nay các Đồn Biên phòng của tỉnh đã phát hiện 303 trường hợp nhập cảnh trái phép, đưa vào các khu vực cách ly để theo dõi. Ngoài ra còn ngăn chặn 89 trường hợp có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê và 1 trường hợp công dân Trung Quốc có ý định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Bộ đội trên tổ chốt khu vực mốc 79, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải chuẩn bị lán ngủ và ăn trưa.
Bộ đội biên phòng Lai Châu trao nước rửa tay và hướng dẫn người dân biên giới cách phòng dịch.
Xứng danh bộ đội Cụ Hồ
Ma Lù Thàng theo tiếng đồng bào địa phương giải nghĩa từ xa xưa là “nơi con ngựa dừng chân uống nước”, nơi dòng suối biên giới giữa hai quốc gia mà dân đi buôn thường nghỉ lại. Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) vào một ngày đầu tháng tư. Tại đây Ban Chỉ huy Đồn đã thành lập 3 chốt và một đội cơ động nhanh để kiểm soát tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép. Có những chốt cách đồn 18km, cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự dựng lán, tự nấu ăn phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Thiếu tá Đinh Quang Học – Chính trị viên Đồn nói rằng: “do đây là Cửa khẩu quốc tế, lại có cả đường “phân thủy” (biên giới đường sông đang mùa cạn nước) nên ngày nào lực lượng chức năng cũng phát hiện tình trạng nhập cảnh trái phép, đơn vị đã kịp thời phối hợp đưa về các địa điểm cách ly theo dõi”.
Tại dãy nhà cách ly tạm thời nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng hiện vẫn có gần 100 công dân Việt Nam nhập cảnh về nước và các lực lượng chức năng đang làm việc; trong đó có các y, bác sĩ đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, quân y biên phòng và đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Chị Vàng Thị Thảo – người dân đang sống tại Khu cách ly tạm thời chia sẻ: “Tôi sang Trung Quốc chơi với bạn bè, về đây được yêu cầu cách ly để đề phòng lây nhiễm dịch bệnh. Tôi vui vẻ chấp hành vì tôi hiểu mình vì cộng đồng, vì tất cả mọi người và vì người thân của mình thôi. Trong thời gian tôi ở khu cách ly, tất cả các anh cán bộ đã đối xử rất tốt và nhiệt tình”. Hiện nay tại khu cách ly tạm thời, Cửa khẩu Ma Lù Thàng có 8 cán bộ quân dân y, được chia làm 3 ca trực trong ngày. Công việc chính của đội là hàng ngày kiểm soát, tiếp nhận công dân Việt Nam nhập cảnh để đưa về quản lý, theo dõi và chăm sóc y tế tập trung. Hàng ngày các công dân trong khu cách ly đều được thăm khám, kiểm tra thân nhiệt và tuyên truyền cách phòng dịch. Sau 2 tháng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tại khu vực cửa khẩu, dù công việc bận rộn, đối mặt với nguy cơ nhiễm dịch cao, nhưng các cán bộ y tế nơi đây vẫn lạc quan với công việc của mình. Không chỉ làm công tác kiểm soát phòng dịch, thời gian qua lực lượng Biên phòng Lai Châu còn trao tặng nhân dân khu vực biên giới và hỗ trợ phía Trung Quốc nhiều trang thiết bị vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch. Chị Tẩn Thị Viên ở bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho phấn khởi nói: “Hôm nay bọn em đi qua đường này rất vui vì được các anh bộ đội phát cho nước rửa tay và khẩu trang miễn phí. Em cảm ơn các anh, các chiến sĩ biên phòng tạo điều kiện cho bọn em. Các anh đúng là bộ đội Cụ Hồ!”. Ông Tưởng Thu Hùng – một người dân trong đoàn Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu bộc bạch: “Bên huyện Kim Bình (Trung Quốc) chúng tôi nhiều người bị nhiễm virus Corona nên tôi được chính quyền cử sang cửa khẩu Ma Lù Thàng để lấy khẩu trang về phát cho người dân trong huyện. Đây là số khẩu trang do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng giúp chúng tôi chống dịch, người dân chúng tôi rất xúc động và cảm ơn các anh biên phòng Việt Nam đã đứng bên cạnh chúng tôi trong lúc khó khăn này”.
Tại điểm phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí tại km số 2 trên đường vào cửa khẩu, những ngày qua lực lượng Bộ đội Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng đã cấp phát hàng nghìn khẩu trang miễn phí cho người dân vùng biên khi ra, vào khu vực cửa khẩu. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mua khẩu trang và dung dịch rửa tay để phòng dịch ở nhiều nơi khó khăn do hàng khan hiếm, nên việc cấp phát miễn phí khẩu trang và nước rửa tay tại đây được người dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ cao.
Chúng tôi chia tay biên giới Lai Châu giữa những ngày cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn đang cam go, phức tạp. Đại tá Phan Hồng Minh nhấn mạnh rằng, với hơn 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m, trên 90% địa hình có độ dốc trên 25°, các điểm chốt chặn cố định trên biên giới lại xa khu dân cư, với thời tiết khắc nghiệt nên có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thêm vào đó một bộ phận nhân dân còn chủ quan, đời sống kinh tế khó khăn nên vẫn còn tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Dù như vậy nhưng để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, BĐBP Lai Châu quyết tâm ngày đêm bám sát, nắm vững địa bàn, quản lý chặt chẽ các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhất định chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch này.
Bộ đội biên phòng Lai Châu trao hỗ trợ vật chất chống dịch đến lực lượng chức năng huyện Kim Bình, Trung Quốc.
Đoàn công tác Báo QĐND huy động các nguồn lực hỗ trợ vật chất, trang bị chống dịch và nhu yếu phẩm trị giá gần 250 triệu đồng tặng Bộ đội biên phòng Lai Châu.