GIÁ TRỊ LỊCH SỬ ĐỊA ĐẠO KỲ ANH
Địa đạo Kỳ Anh trước thuộc xã Kỳ Anh nay là xã Tam Thăng, Tp. Tam Kỳ - một vùng quê đất cát, quanh năm nắng gió, khí hậu khắc nghiệt. Trong thời kỳ chống quân xâm lược, dân và quân du kích xã Kỳ Anh đã trường kỳ kháng chiến, anh dũng sáng tạo bám trụ đánh địch giữ làng. Sáng tạo của quân và nhân dân xã Kỳ Anh được thể hiện bằng việc xây dựng nên địa đạo Kỳ Anh, một thành trì địa đạo trong lòng dân góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975. Chính vì vậy vào năm 1994 quân và nhân dân xã Kỳ Anh vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà Nước trao tặng danh hiệu AHLLVT Nhân Dân. Năm 1997 địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích cấp quốc gia.
“Một tấc không đi, một ly không rời”, quyết “Bám đất, bám làng”
Tháng 5/1965, để cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược“chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ vội vàng xua quân vào miền Nam Việt Nam, cùng với quân ngụy và chư hầu, chúng thực hiện chiến lược “Bình định nông thôn”, “Tiêu diệt và bình định” mở rộng chiến dịch “về làng” bắt bớ, càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng. Đối với xã Kỳ Anh là xã được giải phóng và có phong trào cách mạng hoạt động mạnh nên địch càn quét dữ dội, lùng ráp vây bắt nhiều chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội bị tra tấn, thủ tiêu.
Trước tình hình đó, cùng với cả huyện, tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh quyết tâm thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết “bám đất, bám làng” tận dụng mọi thời cơ đánh địch. Nhưng là một xã vùng cát, địa hình địa vật bất lợi cho việc tác chiến, ẩn nấp lâu dài, địch càn sẽ phát hiện và tiêu diệt lực lượng ta dễ dàng. Từ thực tế và trước yêu cầu của cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ, muốn giữ vững căn cứ địa, chống lại sự đánh phá, lấn chiếm của kẻ thù bảo tồn lực lượng và làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng, khó khăn nảy sinh sáng kiến, không còn cách nào khác là phải đào hầm bí mật, đào địa đạo làm nơi ẩn quân, dấu quân an toàn, nơi chuẩn bị lực lượng, vũ khí trước khi đánh địch. Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu được đào từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967, tổng chiều dài khoảng 32 km, rộng từ 0,5 đến 0,8 mét, chiều cao khoảng 0,8 đến 1 mét, chiều dài các đoạn địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn, (trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp, nhằm đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn ném xuống, ta dễ dàng bịt kín ngăn đoạn còn lại để thoát tránh thương vong). Tuy nhiên đầu năm 1966 địa đạo mới hình thành, chưa nối tiếp liên hoàn. Khi địch càn vào làng do bị lộ miệng hầm tại vườn nhà ông Khanh địch kêu gọi đầu hàng nhưng cán bộ, dân quân chống trả ngoan cường, quyết liệt, địch dã man bơm chất độc xuống hầm và 11 cán bộ, dân quân anh dũng hy sinh. Địa đạo hình dạng ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã, trong đó quy mô và sử dụng địa đạo có hiệu quả nhất là ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình. Bởi nơi đây ngoài các yếu tố hỗ trợ tự nhiên như: Cây cối rậm rạp, kênh mương, đình, nhà dân liền kề, dưới tầng đất cát trắng còn có một lớp đất cóc (đá ong), khó bị sụp lún. Dụng cụ đào địa đạo rất thô sơ như cuốc, xẻng ngắn cán, xà beng, và mủng, thúng, trạt để đem đất đổ đi nơi khác. Vì là nơi gần sát với tai mắt của địch nên công việc tiến hành vào ban đêm và bí mật, khẩn trương. Đất đào đem đắp vào những hầm trú ẩn bom đạn của dân, nền nhà mới, đắp bờ ruộng hoặc đem ra sông Đầm đổ, tránh sự phát hiện của địch. Miệng hầm nằm trong các nhà dân, gian bếp, chuồng bò, đình, bụi tre, giếng nước, gốc cây và được ngụy trang cẩn thận. Địa đạo có hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực, thực phẩm…, lực lượng đào địa đạo là lực lượng tổng hợp, là sức mạnh dân quân, bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên…
Địa đạo Kỳ Anh ngôi trường thứ hai của học sinh trong vùng.
Không những là Di tích lịch sử cấp quốc gia, một địa chỉ đỏ của du lịch thành phố Tam Kỳ, địa đạo Kỳ Anh còn là điểm đến của học sinh các trường trong vùng. Hằng tuần hoặc vào những dịp ngoại khóa, nhiều trường đã cho các em học sinh đến đây tham quan và tìm hiểu về lịch sử hào hùng của địa phương. Theo lời cô giáo Nguyệt – Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Thạch Tân chia sẻ: “mỗi lần được nhà trường cho đến đây, các em rất thích thú, hào hứng và có nhiều trao đổi sôi nổi về cách ông cha xưa đào địa đạo, có em còn đưa ra những câu hỏi như đất đá thì làm sao dấu, phương tiện vận chuyển như thế nào v.v.”. Những câu hỏi của các em đã được các nhân chứng sống giải thích cặn kẽ, bà Lê Thị Hiên trên 80 tuổi vẫn hăng say nói chuyện và hát bài chòi dặn dò các em về tinh thần yêu nước bằng làn điệu bài chòi xứ Quảng “Học đi cho biết em ơi, biết đây biết đó, biết người biết ta, học cho biết nước biết nhà, đâu là bờ cõi đâu là non sông”, hay như câu “Việt Nam là Tổ quốc ta, 4000 năm sử cha là vinh quang, máu đào nhuộm thắm từng trang, chỉ quen chiến đấu chứ đầu hàng không quen”. Trong những năm tháng tham gia đào địa đạo cùng đồng đội, bà là người có khiếu văn nghệ nên đảm đương thêm “nhiệm vụ” ca sĩ phục vụ dân công đào địa đạo. Đến nay cụ vẫn nhớ như in những năm tháng gian khổ bám trụ đánh địch giữ làng của quân và dân Kỳ Anh. Theo ông Huỳnh Kim Ta – Thôn trưởng thôn Thạch Tân kiêm hướng dẫn viên du lịch cũng vừa là người quản lý khu đình Thạch Tân cho biết: “những tiết học lịch sử trực quan như hiện nay tạo nhiều hứng thú cho học sinh và tác dụng lan tỏa đối với hình thức giáo dục trực quan này có hiệu ứng tốt trong đời sống học tập của các em học sinh”.
Để Kỳ Anh phát triển kinh tế trong tương lai gần, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương cần phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị truyền thống lịch sử của di tích này, gắn liền với phục hồi làng chiến đấu, phục hồi Sông Đầm, Bãi Sậy tạo nguồn thủy sản đa dạng phong phú, phát triển ngành nghề dệt chiếu, đan lát truyền thống, xây dựng các sản phẩm du lịch, cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, cần chú trọng để biến Kỳ Anh xưa – Tam Thăng nay thành nơi du lịch sao cho thật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử là việc làm cần thiết hợp với lòng dân phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.
Một cửa địa đạo nằm cạnh con suối, được ngụy trang khéo léo bới tán lá cây bụi
Cây Sỏi, cây cổ thụ nằm trong khu vực địa đạo. Trước đây du kích trèo lên cây để làm đài quan sát
Khu Di tích cấp quốc gia Địa đạo Kỳ Anh
Cụ Lê Thị Hiên là người còn giữ lại những câu vè, đoạn bài chòi kể về quá trình đào địa đạo
Sa bàn địa đạo Kỳ Anh được ông Huỳnh Kim Ta – Trưởng thôn kiêm hướng dẫn du lịch giới thiệu
Cô Tổng phụ trách Đội đang giải thích cho các em học sinh về chất liệu đất của địa đạo
Một cửa địa đạo được bố trí sau lưng ngồi đền thờ