Lý Sơn – Đảo tiền tiêu giữa gió ngàn biển Đông
Đảo Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, thuộc tỉnh Quảng Ngãi là một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông. Lý Sơn rất gần với Hoàng Sa. Không những thế nơi đây còn lưu giữ nhiều những bằng chứng lịch sử xác thực về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc.
Trước đây, để ra được Lý Sơn là điều không dễ, vì phương tiện đi lại còn khó khăn, nhưng giờ đây, chỉ cần từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ mất gần 2 giờ đồng hồ đi bằng tàu cao tốc vượt 15 hải lý (khoảng 30km) đường biển, bạn có thể đặt chân lên đảo và bắt đầu hành trình khám phá của mình.
Theo truyền thuyết, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Đông. Còn theo các nhà địa chất, hòn đảo này được hình thành từ cách đây vài triệu năm từ sự phun trào các dòng nham thạch của các núi lửa, bằng chứng là trên đỉnh ngọn núi Thới Lới vẫn còn đó miệng núi lửa – giờ trở thành hồ chứa nước ngọt tự nhiên, những lớp trầm tích nham thạch xếp nếp, những hang động, cổng đá được tạo thành do sự xâm thực của nước biển. Huyện đảo Lý Sơn chỉ có diện tích gần 10km², gồm hai đảo: đảo Lớn và đảo Bé. Huyện được chia làm 3 xã là An Vĩnh, An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Điều đặc biệt, Lý Sơn chính là vết tích còn lại của một núi lửa đã tắt từ thời tiền sử xa xưa. Và thật thú vị với những ai yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa, khi hòn đảo với diện tích khá khiêm tốn này lại chứa đựng trong mình lượng di tích khổng lồ. Trên đảo có các di tích cấp quốc gia như đình làng An Vĩnh (di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa), Chùa Hang và Âm linh tự, cùng nhiều di tích cấp tỉnh và cảnh đẹp như đình làng Lý Hải, Chùa Đục, giếng Vua, hang Câu, cổng Tò Vò, miếu bà Chúa Ngọc, dinh Bà Roi, dinh Trung Yên, dinh Tam Tòa, lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Cồn, khu vực núi Thới Lới (với nhiều trầm tích nham thạch của các núi lửa), di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, một số nhà cổ và các di chỉ, dấu vết văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa như suối Chình, xóm Ốc…
Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng hành tỏi. Tỏi ở Lý Sơn nổi tiếng trong và ngoài nước với cái tên rất lạ “tỏi mồ côi” – vì theo như người dân ở đảo, tỏi ở đây chỉ có duy nhất một nhánh, hương vị độc đáo với nhiều tác dụng phòng chống bệnh tật. Với món tỏi này, người dân Lý Sơn đã chế biến ra món đặc sản gỏi tỏi, ăn một lần sẽ nhớ mãi cái mùi vị đặc biệt, mặn mòi của biển, thơm cay của tỏi. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều món đặc sản biển như các món hải sản, gỏi cá cơm và đồn đột… mà nguyên liệu được chính những ngư dân Lý Sơn đánh bắt từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nói đến đảo Lý Sơn, người dân đất Việt thường nghĩ ngay đến vị trí tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, như là điểm khởi đầu của quần đảo Hoàng Sa vậy. Điều đó được minh chứng bằng những nét văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như Lễ hội đua thuyền tứ linh, Lễ tế lính Hoàng Sa – Trường Sa, tục Khao thề (lễ Khao lề thế lính), Lễ tế ông Nam Hải…
Hãy một lần đến với Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu xinh đẹp chứa đựng trong lòng bao trầm tích thiên nhiên, lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để trải nghiệm và cảm nhận khí phách hiên ngang, kiên cường của những người dân nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ bờ cõi giang sơn đất nước.
Toàn cảnh đảo Lý Sơn với màu xanh mướt của những ruộng hành, tỏi.
Tượng đài tưởng nhớ Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Lễ khao thề được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ đến truyền thống canh giữ và bảo vệ biển đảo quê hương.
Lễ khao thề được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ đến truyền thống canh giữ và bảo vệ biển đảo quê hương.
Chiều buông trên biển đảo Lý Sơn.
Giống “tỏi mồ côi”, đặc sản chỉ có duy nhất ở Lý Sơn.